Ngày 07/01/2014, tại cuộc họp về
tái cơ cấu toàn diện Tổng công ty, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội
đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN đã gây bất ngờ khi khẳng
định: “Tôi sẽ từ chức nếu đường sắt không thực sự đổi mới trong năm
2014”.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT, ngành Đường sắt đã làm xong cầu vượt tại ga Hà Nội chỉ trong ba tháng (trong ảnh: Bộ trưởng Đinh La Thăng và ông Trần Ngọc Thành tại Lễ khánh thành cầu vượt). |
Tách bạch hạ tầng và kinh doanh vận tải
Tại cuộc họp này, gần như toàn bộ các ý kiến phát biểu đều cho rằng quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải cần được tách bạch rõ ràng, tránh tình trạng hạch toán lẫn lộn như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho rằng, Luật Đường sắt quy định phải phân định rõ quản lý Nhà nước với quản lý kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố và chưa có hướng dẫn cụ thể nên chưa thực hiện được. Ông Thắng nói, việc tách bạch này mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước thông qua nhượng quyền khai thác, Nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư và kêu gọi được xã hội hóa.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Luật đã quy định rõ, tuy nhiên để thực hiện được phải kiến nghị sửa đổi văn bản Tổ chức hoạt động của TCT Đường sắt VN.
Phá thế độc quyền
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Văn Quốc - Vụ trưởng Vụ Tài chính nhấn mạnh ngành Đường sắt đang độc quyền trong kinh doanh vận tải, khiến đường sắt trì trệ. Ông Quốc đề xuất nên sáp nhập luôn cả Liên hiệp sức kéo đường sắt, hệ đầu máy vào khối vận tải để gọn nhẹ bộ máy và dễ quản lý.
Vụ trưởng Vụ Vận tải Khuất Việt Hùng lại cho rằng, tiềm năng cạnh tranh vận tải hàng hóa đường sắt rất lớn. Tuy nhiên, do có nhiều khâu trung gian, trì trệ trong tổ chức sản xuất nên bị mất thị phần. “Đổi mới vận tải hàng hóa phải quyết liệt trên quan điểm không dùng vốn ngân sách, mà phải tiến tới xã hội hóa để cạnh tranh”- ông Hùng nói.
Cũng ủng hộ đẩy mạnh cổ phần hóa, ông Phạm Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế lấy ví dụ, Campuchia đã cổ phần hóa doanh nghiệp vận tải đường sắt, nhượng quyền khai thác, còn Nhà nước chỉ quản lý, bảo trì cơ sở hạ tầng và đã phát triển rất mạnh.
Góp thêm ý kiến vào các giải pháp đổi mới đường sắt, ông Đỗ Nga Việt - Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT nêu ý kiến: Vận tải đường sắt chưa thuận tiện, chưa kết nối tốt với các khu công nghiệp nên sức cạnh tranh thấp. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ.
An toàn là một trong những mục tiêu đổi mới đường sắt |
Toàn ngành tập trung đổi mới đường sắt
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận: “Thu hút vốn đầu tư vào đường sắt hiệu quả đang thấp, cần nâng cao dịch vụ, đổi mới hoạt động, cung cách quản lý để tăng thu hút đầu tư. Mỗi năm vốn sự nghiệp kinh tế cấp cho Tổng công ty đều tăng. Riêng 2014 rất khó khăn nhưng vẫn tăng khoảng 7%. Đây là lợi thế để Tổng công ty phát triển”.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, lãnh đạo Tổng công ty vẫn nặng tâm lý coi mình là Bộ Đường sắt chứ không phải là doanh nghiệp. Cần phải bỏ ngay tư duy này và quán triệt trong toàn thể cán bộ, công nhân viên thì mới phát triển được.
Bộ trưởng tỏ rõ quan điểm: “Chỉ ra những điểm yếu của đường sắt không khó nhưng cái quan trọng là phải cùng ngành Đường sắt tập trung đổi mới, tái cơ cấu. Trong năm nay, toàn ngành GTVT phải tập trung để đổi mới đường sắt”. Bộ trưởng cho biết, sẽ thay Ban Chỉ đạo tái cơ cấu bằng Ban Đổi mới toàn diện Tổng công ty. Ban Đổi mới sẽ làm việc với Tổng công ty ít nhất một lần/tháng. Mục tiêu đặt ra là đường sắt phải Thuận tiện - Đúng giờ - An toàn - Hiệu quả và làm khách hàng hài lòng.