Các doanh nghiệp (DN) vận tải biển, kinh doanh
khai thác cảng đang thực sự cần một gói giải pháp hỗ trợ lớn về vốn,
chính sách thuế để có thể sớm phục hồi.
Chủ tàu ngóng lãi suất thấp
Giảm lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền
gửi, áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, miễn thu tiền chậm nộp
thuế; nới lỏng một số tiêu chuẩn kỹ thuật, nới độ tuổi của tàu... là
những kiến nghị phổ biến nhất mà các DN đặt ra với lãnh đạo Bộ Giao
thông - Vận tải (GTVT) tại cuộc đối thoại vận tải biển năm 2014 được tổ
chức tại Hà Nội đầu tuần này.
Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội
Chủ tàu Việt Nam cho biết, giá cước vận tải biển hiện đã giảm chỉ bằng
1/4 giá cước của năm 2008 và vẫn chưa có tín hiệu phục hồi. Bên cạnh đó,
do cung vượt cầu, để có đủ chân hàng, các chủ tàu đang phải khai thác
tàu với giá cước dưới giá thành vận chuyển hàng hóa
“Khó khăn lớn nhất mà chủ tàu đang phải
đối mặt chính là tình trạng thiếu vốn lưu động để duy trì sản xuất -
kinh doanh, khai thác tàu. Khi mua tàu, đóng tàu, các chủ tàu đều phải
vay vốn của ngân hàng, với lãi suất cao. Chủ tàu cần tiền để trả nợ ngân
hàng, mua nhiên liệu, trả tiền bảo hiểm, mua sắm vật tư, phụ tùng thay
thế, trả lương thuyền viên”, ông Quỳnh chia sẻ.
Tương tự, đại diện CTCP Vận tải và thuê
tàu biển Việt Nam (Vitranchart) cũng cho rằng, chi phí vốn (khấu hao,
lãi vay và chênh lệch tỷ giá) hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá vốn
đội tàu.
“Khác với đội tàu nước ngoài được hình
thành chủ yếu bằng vốn tự có hoặc vay với lãi suất thấp, đội tàu của
chúng tôi được hình thành từ 70 đến 85% vốn vay. Vì vậy, để có cơ hội
cạnh tranh với đội tàu ngoại, đề nghị Chính phủ duy trì lãi suất vay ưu
đãi hoặc có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư tàu, đảm bảo chi
phí vay vốn chỉ xấp xỉ như các nước trong khu vực, khoảng 2%/năm”, ông
Trương Đình Sơn, Phó tổng giám đốc Vitranchart đề nghị.
Ông Vũ Đức Then, Phó chủ tịch Hiệp hội
Vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) đề nghị được giảm thuế giá trị gia
tăng còn 5%/năm trong 3 năm (từ 2014 đến 2016), nộp dần các khoản tồn
đọng thuế, miễn thu tiền chậm nộp thuế.
Không chỉ các DN vận tải biển quy mô nhỏ
và vừa, mà ngay cả các DN lớn như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
(Vinalines) - chiếm 40% tổng trọng tải đội tàu cả nước cũng phải đặt kế
hoạch lỗ năm 2014 lên tới 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là do kinh doanh vận
tải biển quá khó khăn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công thừa
nhận, vận tải biển trong nước phục hồi rất chậm, giá cước vận tải vẫn
thấp, nguồn hàng khan hiếm, trong khi chi phí vốn và chi phí nhiên liệu
tăng cao, thị trường vận tải biển nội địa mất cân đối giữa hai chiều Bắc
- Nam… khiến vận tải biển không hoàn thành yêu cầu “chia lửa” với vận
tải đường bộ mà Bộ GTVT đặt ra.
Đây cũng là lý do khiến nhiều DN vận tải
biển tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT dành vị thế độc quyền tại thị trường
vận tải nội cho các DN trong nước.
Do gần như không còn tích lũy, lại gặp
khó khăn về vốn vay, nên việc tái cơ cấu đội tàu có tuổi tàu cao, trọng
tải nhỏ diễn ra rất chậm.
“Trong 4 năm gần đây, tốc độ phát triển
tàu container trên thế giới đạt trung bình 6,8%/năm, trong khi con số
này của Việt Nam chỉ là 1,1%”, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải
Việt Nam cho biết.
Ngoài một số kiến nghị liên quan tới
tuổi tàu, đăng kiểm được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng giải quyết
nhanh gọn theo hướng tạo điều kiện tối đa cho chủ tàu, hơn một nửa kiến
nghị của DN về những giải pháp dài hơi như thuế, vốn vay ưu đãi... vẫn
phải “treo” lại, dù Bộ GTVT đã mời khá đông đủ đại diện của các cơ quan
nhà nước như Bộ Tài chính, Công thương...
Cảng đòi nâng phí
Trong khi các DN vận tải nhất tề đòi giảm chi phí, thì các DN cảng biển lại đồng loạt kêu khó và đòi tăng phí, lệ phí hàng hải.
Ông Ngô Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tân
Cảng Sài Gòn đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành giá
sàn cảng biển cho cảng TP.HCM và Hải Phòng để bình ổn thị trường, đồng
thời, cần ban hành biểu giá sàn mới cho cảng Cái Mép - Thị Vải cao hơn
ít nhất 5% so với khu vực TP.HCM.
Ông Nguyễn Hồng Việt, Tổng giám đốc Cảng
Hải Phòng cũng đề nghị sớm ban hành quy định giá sàn trong xếp dỡ hàng
hóa tại các cảng để có điều kiện đàm phán với các DN nước ngoài.
Cam kết sẽ sớm giải quyết kiến nghị này,
đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, các DN cảng cũng có lỗi lớn,
khi cố giành thị phần bằng cách giảm giá dịch vụ xếp dỡ container dưới
mức giá thành và miễn phí một số dịch vụ hỗ trợ. Một điều đáng ghi nhận
tại cuộc đối thoại này là, sự thiếu vắng của các DN logistics, trong khi
đây đang là khâu yếu nhất trong lĩnh vực kinh tế biển.
Hiện Việt Nam có khoảng 800 DN hoạt động
trong lĩnh vực logistics. Đây là một con số khá lớn, nhưng trên thực
tế, phần lớn lại là những DN nhỏ và rất nhỏ không tổ chức được các văn
phòng đại diện ở nước ngoài, nên nguồn thông tin bị hạn chế, các công
việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc
gia.