Tổng cục Hải quan quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phòng và chống tới từng đơn vị, địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ và hạn chế buôn lậu. Nguồn: internet |
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính
đến ngày 15/9/2013 ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý
18.006 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa trái phép, giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 199.993 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý III/2013, các đơn
vị trong toàn ngành Hải quan đã phát hiện và bắt giữ được 6.888 vụ vi
phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước đạt 52.21 tỷ đồng. Trong đó, Cục Điều
tra chống buôn lậu phát hiện và bắt giữ 15 vụ vi phạm với giá trị ước
đạt 8.818 tỷ đồng.
Theo nhận định của cơ quan Hải quan,
càng về cuối năm, tình trạng buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp. Do
vậy, cần triển khai đồng bộ những giải pháp chống buôn lậu và gian lận
thương mại. Theo đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, chống
buôn lậu, gian lận thương mại, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ
việc buôn lậu, không để xảy ra các vụ việc lớn, vụ việc nổi cộm, mang
tính chất đường dây, ổ nhóm, tập trung đấu tranh, phát hiện bắt giữ đối
với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới; ma túy, vũ
khí, chất nổ, hàng hóa vi phạm môi trường, tài liệu phản động... đảm
bảo an ninh quốc gia, an toàn cộng đồng.
Chú trọng thực hiện chuyên đề, chuyên án
trọng điểm đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất là xăng dầu, khoáng sản,
xe ô tô Việt kiều hồi hương, rượu, thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe
người tiêu dùng, kiểm soát tiền chất... Các đội kiểm soát phải đặc biệt
quan tâm đến tổ chức thu thập thông tin, xây dựng cảnh báo đối với những
lô hàng đông lạnh thuộc loại hình tạm nhập, tái xuất mở tờ khai tại các
cửa khẩu, cửa cảng…
Cục Hải quan các tỉnh cần xây dựng cảnh
báo hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng sửa chữa tờ khai điện tử để sửa
luồng tờ khai, gian lận thương mại... Các đơn vị tăng cường hoạt động
thu thập thông tin công khai và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh
sát đối với các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất mặt hàng phế
liệu, mặt hàng thuốc lá điếu.
Song song với việc củng cố, kiện toàn
lực lượng kiểm soát chống buôn lậu, Ngành Hải quan cũng cần chủ động
phối hợp với các ngành chức năng (Công an, Quản lý thị trường, Bộ đội
Biên phòng, Cảnh sát biển) trong công tác đấu tranh, phòng ngừa buôn
lậu, gian lận thương mại sát với tình hình từng thời kỳ, giai đoạn để
xây dựng các phương án đấu tranh chống gian lận thương mại trọng tâm,
trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống gian
lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ
sinh an toàn thực phẩm.
Tại khu vực biên giới biển, đất liền và
khu vực cánh gà các cửa khẩu, đề nghị lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội
Biên phòng, Hải quan xây dựng phương án, kế hoạch chỉ đạo các đơn vị
tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, phương
tiện, hành lý xuất nhập cảnh.
Chú trọng tuyên tuyền các doanh nghiệp,
các tổ chức chấp hành tốt pháp luật và nhân dân vùng biên giới, vùng
biển không tiếp tay, không tham gia buôn lậu. Phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan chức năng phản ánh kịp thời,
khách quan tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tiêu
cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng.
Trong tương lai gần, cần hướng tới xây
dựng lực lượng Hải quan chuyên trách chống buôn lậu từng bước chuyên
sâu, hoạt động hiệu quả, có đủ bản lĩnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao, trong đó, tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các
lĩnh vực nghiệp vụ cơ bản, điều tra; mở rộng các nhiệm vụ mới như phòng,
chống khủng bố, rửa tiền, ma túy, sở hữu trí tuệ… Bên cạnh đó, cần
trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, cần thiết
phục vụ công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan… cho tất cả các đơn vị
hải quan các cấp, các địa bàn.
Theo http://tapchitaichinh.vn